Trang web rất quan trọng đối với một doanh nghiệp, nhưng nó quan trọng đến mức nào và làm sao sử dụng trang web để làm thay đổi môi trường kinh doanh của doanh nghiệp?
Đây là một trong những nội dung chính của buổi hội thảo “Kinh doanh trên Internet” do báo Người Lao Động tổ chức hôm 19-3 tại TP.HCM với hơn 200 đại diện từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
“Ở Việt Nam, hầu như doanh nghiệp nào cũng có trang web. Điều này tuy nghe rất quen thuộc và đơn giản, nhưng có rất nhiều vấn đề cần phải bàn đến,” ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT thuộc Bộ Công Thương, đã mở đầu bài thuyết trình về mức độ quan trọng của trang web đối với doanh nghiệp như vậy.
Ông Linh cho rằng, việc đề cập đến hiện trạng các trang web của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là khi bối cảnh nền kinh tế đất nước đã thay đổi nghiêm trọng sau thời điểm tháng 12 -2008, là có lý do.
Con số và vấn đề
Báo cáo mới nhất của Bộ Thông tin-Truyền thông chỉ ra rằng, có khoảng 25% dân số Việt Nam, tức khoảng 20 triệu người, sử dụng Internet. Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi chỉ trong vòng bốn năm tới. Khoảng 45% doanh nghiệp Việt Nam có trang web (khoảng 80.000 tên miền .vn, theo số liệu của Bộ Thông tin-Truyền thông).
Riêng về thị trường bán lẻ, có đến 65% số người mua hàng tìm kiếm thông tin về mẫu mã, thông số kỹ thuật, giá cả của sản phẩm qua Internet trước khi quyết định mua hàng. Trong số đó, có gần 30% – chủ yếu là giới trẻ – có quyết định mua hàng chịu ảnh hưởng của Internet.
Chưa hết, ứng dụng thương mại điện tử tại Việt Nam được xác định đã vượt qua mức khởi đầu và hiện ở mức thứ hai, tức là các doanh nghiệp đã dùng các công cụ tiếp thị trực tuyến (e-marketing), thông qua các trang web, e-mail, tham gia vào các sàn giao dịch trên mạng. Khoảng 90% doanh nghiệp thiết lập việc nhận đơn đặt hàng bằng các phương tiện điện tử như e-mail, fax, điện thoại. Có đến 35% doanh nghiệp có doanh thu từ thương mại điện tử và mức doanh thu này chiếm từ 15% trở lên trong tổng doanh thu.
Honda Vietnam đã rất thành công khi tổ chức trang web của mình với nội dung phong phú, cho phép khách hàng ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể xem kiểu dáng xe, giá cả, danh sách đại lý… Trong lúc đó, nhờ quản lý và cung cấp vé qua trang web, hãng hàng không Jetstar Pacific cho biết đã có thể sắp xếp để bán vé máy bay với giá rẻ. Vietnam Airlines cũng đã bắt đầu triển khai hình thức bán vé qua mạng, mang lại sự tiện lợi cho khách hàng.
Tuy nhiên, những con số lạc quan nói trên không khỏa lấp được bức tranh kinh doanh u ám do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Ông Linh cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hai vấn đề trái ngược nhau: cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất, nhưng vẫn tiếp tục chi tiêu để quảng bá, tiếp thị hàng hóa. Vậy phương thức nào có thể hỗ trợ hoạt động kinh doanh có hiệu quả trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay? Theo ông Linh, hãy đầu tư mạnh cho trang web.
“Một trang web hữu hiệu sẽ là một công cụ tiếp thị tích cực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chào hàng, kết nối và duy trì các mối quan hệ với khách hàng”, ông Linh nói.
Tuy nhiên, hiện trạng trang web của các doanh nghiệp Việt Nam còn đặt ra những vấn đề cần giải quyết.
Phần lớn các trang web này chuyển tải nội dung không hướng đến khách hàng nên dẫn đến tình trạng nhiều trang web đã đăng cả thông tin và hình ảnh hội họp trong nội bộ công ty. Đó là chưa kể đến trình độ thiết kế trang web còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp quá chú trọng đến hình thức như dùng nhiều flash, màu sắc lòe loẹt, gây rối mắt. Nhưng điều đáng tiếc nhất là nhiều trang web có tần suất cập nhật rất kém, làm cho người đọc thấy chán, số lượng truy cập thấp dần. Người lãnh đạo doanh nghiệp nếu không hiểu nguyên nhân thì có thể đánh giá trang web rất kém và không có ích.
Cũng có trường hợp doanh nghiệp có trang web đẹp nhưng không biết cách quảng bá nên ít người biết đến. Và cuối cùng, một trang web được xây dựng với ý đồ hỗ trợ kinh doanh không thể thiếu công cụ thanh toán trực tuyến. “Theo tôi, các doanh nghiệp phải xem xét và điều chỉnh những điểm này nếu muốn dùng trang web như một công cụ hỗ trợ kinh doanh trong thời điểm kinh tế khó khăn,” ông Linh khuyên.
Những yếu tố then chốt
Đầu tư hạ tầng băng thông rộng. Theo Giáo sư Trần Vũ Hòa – người đang giảng dạy về thương mại điện tử tại Đại học New York (Mỹ), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn WorldSoft – cũng như ở Việt Nam, tình hình kinh tế suy thoái khiến hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa của Mỹ bị đóng cửa, người sử dụng quay hẳn sang dùng Internet từ việc mua bán qua mạng, thanh toán trên mạng cho đến quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và dịch vụ.
Nhưng điều khiến thương mại điện tử ở Mỹ và nhiều nước khác gần Việt Nam phát triển mạnh mẽ là do họ đã đầu tư cho băng thông rộng để bảo đảm giao dịch thông suốt trên xa lộ thông tin. “Muốn phát triển thương mại điện tử, Việt Nam cần có kế hoạch phát triển băng thông song song với việc phát triển các ứng dụng, quan tâm đến vấn đề bảo mật để tạo sự tin tưởng nơi người sử dụng và thu hút các doanh nghiệp tham gia,” ông Hòa nói.
Biết khách hàng của mình là ai. Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc tiếp thị của tập đoàn WorldSoft – ông David Trần, cho rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định rõ khách hàng của mình là ai, thị trường của mình ở đâu trước khi lên kế hoạch xây dựng trang web.
Trang eBay nổi tiếng thành công nhờ hiểu được thị hiếu của khách hàng, nên thường đặt những sản phẩm mà khách hàng của họ quan tâm ở trang chủ với hình ảnh rất to. YouTube nổi tiếng với video và chủ nhân YouTube hiểu rất rõ ý thích xem video và không tiếc thời gian để xem video của khách hàng. Vì vậy, YouTube luôn có hàng loạt các video có nội dung liên quan đến chủ đề đang xem và đặt chúng ở vị trí mà người sử dụng rất dễ tìm.
Tập trung vào khách hàng cốt lõi. Cũng có cùng ý kiến như David Trần, ông Thomas Wanhoff, đến từ Công ty tư vấn Vina Consulting, khuyên các doanh nghiệp muốn biến trang web thành công cụ kinh doanh thật sự, cần tập trung vào khách hàng cốt lõi.
Amazon là một trang web thương mại điện tử đã bắt đầu bằng việc bán sách dù chẳng ai nghĩ bán sách mang lại thành công lớn trong tương lai. Amazon đã thành công nhờ tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là bán sách qua mạng và bám chắc khái niệm “chiếc đuôi dài” (long-tail). Khái niệm này được hiểu như sau: những cuốn sách bán chạy nhất (best-seller) chưa hẳn là những cuốn sách được bán nhiều nhất về số lượng, nhưng những cuốn sách bán với số lượng ít hơn nhưng ổn định qua nhiều năm liên tiếp lại mang đến cho Amazon doanh thu cao gấp nhiều lần so với các quyển best-seller.
Nghĩa là bên cạnh những cuốn sách bán chạy nhất, Amazon còn bán cả những quyển sách không phải là best seller. Amazon đã làm mọi cách để tạo thuận lợi cho khách hàng, như tìm nhà phân phối để có được mức giá tốt nhất để khách hàng có thể mua sách với giá rẻ hơn, mua nhiều sách hơn, và tạo ra một môi trường kinh doanh dài hạn.
Chính nhờ chiến lược này mà trong một thời gian rất ngắn, Amazon cải thiện được các khoản thu và khoản nợ của công ty.
Tận dụng các công cụ có sẵn trên Internet. Công nghiệp Internet bắt đầu từ trang web, mạng xã hội như Zing ở Việt Nam hay Facebook, MySpace, Yahoo 3600 ở Mỹ. Thomas Wanhoff cho rằng, đây là những nơi mà mọi người có thể tụ họp với nhau để chia sẻ cảm xúc, kiến thức, thông tin cho nhau nên các doanh nghiệp hãy tận dụng những công cụ này để tiếp thị cho mình. Name Cheap là một dịch vụ bán tên miền trực tuyến và họ đã tận dụng Twitter – giống như blog nhưng được viết ngắn gọn với 140 từ – để làm truyền thông cho mình.
Name Cheap đã mở một tài khoản Twitter và tổ chức những cuộc thi nhỏ để khách hàng chú ý đến mình hơn, chỉ trong vòng một tháng số lượng người đọc theo (follower) đã tăng từ 200 đến 4.000 người. Những người này không chỉ đọc tin về dịch vụ của Name Cheap trên Twitter mà còn đọc trên trang của Name Cheap. Dĩ nhiên, số lượng người đọc đã tăng 10%, doanh số của Name Cheap đã tăng lên đến 20%.
E-mail cũng là một công cụ tiếp thị tốt cho doanh nghiệp. Ví dụ, doanh nghiệp có thể dùng e-mail để gửi thông tin sản phẩm đến cho khách hàng. Tuy nhiên, có một công cụ rất hữu hiệu khác là Gmail của Google. Bạn có thể tận dụng công cụ này để quảng cáo rất tốt, vì mặc dù số lượng người dùng Gmail tại Việt Nam rất lớn nhưng các đối thủ cạnh tranh với công ty bạn có thể chưa dùng đến nhiều. Tiếp đến là dùng chương trình chat như Google Talk và Yahoo! Messenger, Skype và MSN, trong đó Yahoo! Messenger và Skype được dùng phổ biến ở Việt Nam, để giao tiếp với khách hàng.
Bán hàng theo nhu cầu, sở thích của khách hàng. “Người ta chỉ câu cá ở nơi có cá”. Vì vậy, có thể diễn dịch như sau: sau khi có trang web, có sản phẩm, có công cụ quảng bá nhưng trang web của doanh nghiệp không có khách hàng, doanh nghiệp nên nhìn xem khách hàng đang ở đâu, cộng đồng của khách hàng ở đâu, hãy lắng nghe và tìm cách tiếp cận họ. Và điều quan trọng của việc “câu cá ở nơi có cá” là lắng nghe khách hàng và bán hàng theo nhu cầu, sở thích của họ.